Đào TuấnTheo blog Đào Tuấn Khi người “cầm cái” việc tinh giản không nhìn ra đối tượng phải tinh giản liệu có thể tinh giản?
“…Ở khu vực ngoài nhà nước, hôm nay còn đi làm, mai đã mất việc- là chuyện xảy ra hàng ngày. Là chuyện người ta phải luôn sẵn sàng chấp nhận để rồi tự xoay trở tìm việc mới.
Trong 8.000 tỷ kia có phần lấy từ tiền thuế, từ đóng góp của những người “nay còn, mai mất (việc)” không?
Và lý do gì một bộ phận của xã hội được chăm lo hơn những bộ phận còn lại?
Chính sự “chu đáo” này là một nguyên nhân khiến người ta cứ phấn đấu để có mặt trong biên chế. Và sự phấn đấu ấy càng mãnh liệt, thì tình trạng bộ máy luôn thừa người mà không thể nào tinh giản được sẽ còn tiếp diễn”.
Đây là dòng trạng thái xuất hiện trên facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn, một người đã từng từ chức Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, trước phương án chi phí 8.000 tỷ để tinh giản 100.000 biên chế.
Câu chuyện tinh giản đã có không mười thì cũng tám năm trước. Và nhìn nhận lại “lịch sử tinh giản biên chế” nhân mỗi lần ngành nội vụ rục rịch chuyện tinh giản, có những con số khiến người dân cảm thấy thật sự kinh ngạc.
Chẳng hạn sau 3 năm thực hiện “tinh giản biên chế”, số biên chế hưởng lương từ NSNN “giảm 28 ngàn, tăng 69 ngàn”. Tức là kết quả của “phép trừ tinh giản” là một con số gấp 148% số trừ. Chưa hết, sau khi sắp sếp bộ máy, “Phép trừ tinh giản” cho ra kết quả: Giảm được 4 bộ, trong khi số Tổng cục từ con số 82 tăng lên thành 110.
Hôm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi lại đưa ra thêm một con số “té ghế” nữa: Sau 5 năm tinh giản biến chế, bộ máy công chức nhà nước… phình thêm 20%.
Chưa có bất cứ một con số chi phí nào được công bố sau mỗi cuộc tinh giản, dù lẽ dĩ nhiên là cuộc tinh giản không thể tiến hành bằng nước bọt. Cái thiếu của “tinh giản” để khiến nó trở thành một phép cộng, vì thế, cũng không phải là tiền.
Vậy thì sự thất bại, thật khó nói khác, của việc tinh giản với bao nhiêu kế hoạch, phương án là vì đâu?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, trước QH có lần khẳng định như đinh đóng cột ““tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%”- một phát ngôn có tính chất biểu tượng và giải đáp phần nào cho việc “phép trừ tinh giảm” lại trở thành phép cộng.
Khi người “cầm cái”, khi đạo diễn của việc tinh giản không nhìn ra đối tượng phải tinh giản thì làm sao có thể tinh giản được.
8.000 tỷ, từ tiền đóng thuế của cả những người nông dân chưa từng hưởng một đồng lương ngân sách, của cả những lao động ngoài khu vực nhà nước “nay còn, mai mất”… là một nguồn lực lớn.
Nhưng tiền nhiều không có nghĩa là một sự đảm bảo để phép trừ tinh giảm không biến thành một phép cộng. Trừ phi biên chế trong khu vực Nhà nước thôi trở thành một mối lợi mà đến yếu kém cũng được tiền để ra khỏi nhà nước, trừ phi tinh giảm được những người đóng vai trò đạo diễn tinh giảm đang biến trừ thành cộng.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét